Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Sông Dinh-Rú Gam quê tôi ( bài blog cũ sang)

Sông Dinh-Rú Gam quê tôi

Đăng ngày: 10:47 10-06-2010
Thư mục: Tổng hợp


Ông Hoàng Độ đang sinh sống tại xã Xuân Thành, huyên Yên Thành, Nghệ An, gửi đến những người con Yên Thành đang sinh sống xa quê bài viết dưới đây để hiểu thêm về một dòng sông và một hòn núi đã gắn với tuổi thơ tại quê hương.
Xin mời các bạn cùng đọc

 Sông Dinh, Rú Gám những điều cần nói thêm
        Sông Dinh, Rú Gám là biểu tượng, niềm tự hào của người dân Đông Thành xưa - Yên Thành quê lúa ngày nay. Những người con được sinh ra ở Yên Thành nay đi làm ăn xa xứ, mỗi khi hoại niệm về quê đều nhớ đến những kỹ niệm một thời về Sông Dinh, rú Gám. Không ít nhà thơ, nhạc sỹ đã đưa hình ảnh sông Dinh, rú Gám vào tác phẩm của mình. Nhiều dòng họ hiếu học đỗ đạt cao, hoặc làm ăn thịnh vượng, giàu có đã lấy sông Dinh - Rú Gám để khẳng định và niềm tự hào của dòng họ mình :
                  Bao giờ Rú Gám hết cây?
                  Sông Dinh hết nước, họ này hết quan!
             Hay:       
                 Bao gìơ Rú Gám hết cây?
                 Sông Dinh hết nước, họ này hết ăn!
       Ở Nghệ An, đa số làng quê nào cũng có sông, có núi, Người  Châu Diễn  xưa, Nghệ An hiện nay ai cũng biết hay nghe nói đến tên địa danh: Rú Gám, sông Dinh, làng Kẻ Gám. Điều này không phải không có nguyên căn của nó, và cũng không nhiều người rõ lắm về sự tích tên sông, tên núi và tên làng  này.
    Là người con sinh ra trên vùng đất này, trách nhiệm lý giải ngọn nguồn về  “Đất Mẹ”, Tôi viết bài nay với một tâm niệm như thế.
         có tên Sông Dinh:
      Bắt nguồn từ các con suối chảy từ vùng đồi núi dốc thuộc các xã Quang Thành, Đồng Thành.  Nguồn nước tâp trung đỗ về Khe Lá rồi hợp lưu thành con suối lớn gọi là Khe Cấy( suối lớn), khe Cấy phần hạ lưu chảy qua Bình Dương ( xã Phúc Thành) rồi chảy về làng Kẻ Dền (Văn Thành), Phần cuối dòng đi qua làng Long Hồi- thuộc xã Tăng Thành.
          Thời nhà lê, lê Long Tích con trai thứ 3 của Lê Hoàn được phong Đông Thành đại Vương, đã xây sở lỵ ở Kẻ Dền thành dinh lũy Đông Thành quy mô to lớn, Dinh luỹ kiên cố vững chải như kinh thành ở kinh đô nhà vua,  nhằm có ý đồ cát cứ phương nam lâu dài,  hiện nay ở xã Văn Thành có tên là Làng Vườn, là vùng đất vườn thượng uyển của Đông Thành vương khi xưa. “ khi Lê Long Việt bị Lê Long Đỉnh giết chết để tranh ngôi, long Đỉnh và Long Tích hai anh em  tranh ngôi trong gần năm trời. Long Tích thua chạy vào đất Cử Long, đến châu Thạch Hà( Hà Tĩnh) bị dân chài cửa biễn Cơ La - Cẩm Xuyên giết chết”  (ĐVSKTT, tr 232 ,tạp1, XB 1998) ,      
        Nhà Trần vẫn lấy Kẻ Dền làm lỵ sở Diễn Châu, nhà trần đã phái thân vương Trần Quốc Khang( anh của vua Trần Thánh Tông) vào trị vị “ Tháng 9 phong  tĩnh quốc đại vương Quốc Khang làm Vọng Giang kỳ Đô thượng tướng quân”. Quốc Khang  mở rộng lỵ sở  ở Kẻ Dền quy mô to lớn, xây thành dinh lũy kiến cố có ý đồn xưng đế, nhưng sự việc bị bại lộ “Canh Ngọ( thiệu long) năm thứ 13 (1270), Quốc Khang dựng phủ đệ Diễn Châu, hành lang diêu vũ bao quanh, tráng lệ khác thường, Vua nghe tin cho người đến xem, Quốc Khang sợ mới tô tượng phật để nơi đó ( nay là chùa Thông) ”( ĐVSKTT, tr38, Tập2 – XB 1998). Vùng  đất chùa Thông trước kia  hiện nay là Bệnh viện huyện Yên Thành ( sát đường tỉnh lộ 22)
   Theo thuyết phong thủy, các kinh thành, trấn lỵ sở xưa thường tự vào thế núi ( hổ Phục) và có sông uốn quanh ( long chầu) đồng thời nhằm thuận lợi về  giao thông đường bộ và đường thủy
     Khe Cấy chảy từ thượng nguồn rồi uốn lượn bao bọc phía tây nam dinh lũy  Đông Thành Vương,  nên gọi là sông Dinh là vậy . Điều nay  cũng dễ hiểu, kẻ Dền đã được ba triều đại phong kiến chọn làm lỵ sở, nhiều thân vương có ý đồ xây dựng nơi đây kiên cố với ý đồ cát cứ xứng đế, vì vậy kiến trúc nội cung và thành lũy phải khá kiên cố, đồng thời đúng cho một kinh thành phải là “trên bến dưới thuyền”,  sông namg tên Dinh như vậy là hợp với ví trí  lịch sử của nó     

Một đoạn sông Dinh
     
           Vào thời kỳ nhà Lê, có chính sách khôi phục kinh tế sau chiến tranh, đã cho khơi đào, nạo vét các con kênh lạch nhằm phát triễn nông nghiệp. Khoảng 1550-1570, Bà Trịnh Thị Ngọc Dung con gái của Trịnh Tùng, là vợ thứ hai của Lại Quận Công Phan Công Tích ( nhị Thất, húy Á Nương), sau khi Lại Quận Công Tích đánh nhau với Nguyễn Quyện bị tử trận tại lèn Hai Vai ( núi Lưỡng Thiên) vào tháng 8 năm 1575. Sau đó Bà về ở với quê  chồng con gái ở Làng Kẻ Gám. Dựa vào chính sách của triều đình và công lao của chồng, Bà dâng sớ xin cho đào kênh để giúp dân chúng vùng tổng Quan Triều  khỏi đói khổ vì thiên tai hạn hán. Bà đã huy động dân 5 làng: Kẻ Gám, Kẻ Ngòi, Tích Phúc, vạn Tràng, Điện Yên, Tiên Sơn( tổng Quan Hóa) đào kênh nối tiếp dài gần 4km để lấy nước tưới  chủ động cho một vùng rộng lớn hơn 1000ha của 5 làng nói trên không  còn phụ thuộc vào thiên nhiên, mỗi năm canh tác hai vụ bội thu và đủ nước sinh hoạt cho dân chúng .
      Tại  lễ Kỳ Phúc, ngày 15-2 âm lịch  hàng năm tế các vị thần trong làng  được tổ chức ở đình chợ Gám . Công lao của bà  được ghi trong văn tế:
         “ Hào thủy chi nhuận trạch thiên thu, tự tử tôn, nhi chi tằng, chí huyền , Long thủy  chi dư­ ba vạn thế "
  ( tạm dich là: ngàn năm con kênh tươí mát cả vùng đất rộng lớn, phù sa bồi đắp, con cháu hậu thế ngàn thu  sau mãi mãi  hưởng long mạch và  công đức này)
           Do có công với dân, với nước, Bà được sắc phong , vị hiệu:
          -  Quận Công phu nhân Trịnh Ngọc Dung( Dong) Công chúa, gia phong dục Bảo Trung hưng linh phù  tôn thần
          - Hiệp mưu đồng đức kiệt tiết truyền lực công thần lịch triều gia phong, gia tặng trung đẳng thần .:
          - Tiên tổ tỷ , quân phu nhân Trinh Thi Ngoc Dung công chúa lịch triều gia phong, gia tặng trung hưng đẳng thần

    Do thượng nguồn chảy qua  các núi đá vôi như lèn Đồng Cò, lèn Bằng, Lèn Vũ Kỳ, nên vào mùa mưa lũ phù sa cũng như cát sỏi trôi về hạ lưu rất nhiều. Đoạn sông này được bồi lắng nhiều cát sạn, nhân dân quanh vùng về đây khai thác làm vật liệu xây dựng, nên được gọi là sông Bến Sạn( nay thuộc xã Xuân Thành)

Một đoạn con sông Bến Sạn
   Từ khi có đập Vệ Vừng chắn dòng từ thượng nguồn( khe Cấy- xã Đông Thành).    Sông Dinh không còn dòng chảy hiền hòa, trong xanh  như xưa nữa, chỉ có vào mùa mưa lũ mới có dòng chảy lớn. Cũng như bao con sông khác chảy qua trung tâm huỵện lỵ, thành phố dễ bị ô nhiễm là vấn đề không tránh khỏi trong dai đoạn hiện nay.

                    Làng Gám,  Rú Gám
                             bắt nguồn mang tên một loại cây.
      chùa Gám  ( xã Xuân Thành) có câu đối:
                   Dinh thủy đông hồi nhiêu quang vụ
                   Phượng sơn tây phục hướng minh đường
   đại ý: vùng đất này phía đông có rồng vàng uốn khúc ( sông Dinh), tây có núi Phượng Lĩnh soi bóng ( rú Gám) , là địa mạch tụ sơn, tích thủy
                
  rú Gám tự xa xưa gọi là núi Phượng Sơn, vì đứng từ xa trông núi như con chim Phượng Hoàng đang tư thế vỗ cánh, ở đỉnh núi có gò đất giống đầu chim Phượng, vì vậy có tên gọi là Hòn Nhôn hay Nhôn Sơn.
       theo truyền thuyết, Cách đây đã lâu lắm, có ông Lý Thiên Cương  con cháu  nhà  tiền lý : Lý Nam Đế về chân núi Phượng Sơn chiêu dân, khai đất lập điền trang, buổi sơ khai  tên trang ấp được đặt là Trang Cảm, sau đổi thành Chân Cảm (vì thuộc quận Cửu Chân -  thời  bắc thuộc nhà Lương).
              Chân Cảm, Chân là chân thật, vững chãi trường tồn. Cảm là đông vui, trù phú. Đồng thời trang ấp này thuộc quận Cửu Chân, nên lấy chữ Chân Làm gốc, cũng như  hiện nay nhiều xã lấy tên gốc của huyện như: Xuân Thành( Yên Thành) Diễn Thành ( Diễn Châu), Nghi Phong ( Nghi Lộc).....
             Nhờ long mạch tốt, có sông suối, thế núi long chầu hổ phục, đồng ruộng bình địa, nhờ thiên- địa- nhân hoà mà dân làng làm ăn no đủ, vì vậy dân các nơi tụ hội về đây làm ăn càng đông vui.

Rú gám và cánh đồng lúa vàng trĩu hạt
        Nghệ An xưa: có hai làng nổi tiếng: Nho Lâm( Diên Châu) hiếu học đỗ đạt cao,  Kẻ Gám ( Đông Thành)  dân đông xã đại. khi được thành lập huyện Yên Thành, có câu ca: điền Hộ Độ, hộ Xuân Nguyên : đất rộng có làng Hộ Độ(  xã Đô Thành), người đông có làng Xuân Nguyên- Kẻ Gám).
           Nhưng điều kiện canh tác lúc đó còn lạc hậu, phụ thuộc vào thiên nhiên. Nhiều năm hạn hán lớn, dân làng vào núi Phượng Sơn đào củ hoài sơn, hái quả rừng mà ăn. Trong núi có cây thân leo gọi là cây Gắm quả chùm, hình quả nhót chứa nhiều tinh bột ăn thay lương thực. Những năm  mất mùa, dân làng và các nơi vào núi hái quả Gắm đem về ninh nhừ ăn để qua lúc bần hàn. Những vụ sai quả, nhân dân hái về phơi khô dự trữ như:  ngô, khoai, sắn.
            Để nhớ ơn làng, ơn núi có cây cho quả cứu người lúc đói kém, giáp hạt. Người dân trong vùng  đã đặt tên núi, tên làng là làng Gắm, núi Gắm. Nhưng quá trình hán hoá và phiên âm lệch đi thành Gám. Cũng có ý kiến cho rằng: để tránh tên huý cây thiêng, nên từ Gắm đổi sang Gám.
          Ngày nay người dân không dùng quả Gắm thay lương thực nữa, nhưng đến mùa hoa Gắm vẫn nở trắng rừng, toả hương thơm dịu ngọt, như để nhắc nhở thế hệ sau nhớ đến cội nguồn, ông cha xưa một thời lam lũ, vật lộn với thiên nhiên thú dữ, với thuỷ - hoả - đạo - tặc để xây đắp nên kẻ, nên làng phồn thịnh như ngày nay. 

       Rú Gám ( nhìn gần)
                     Những  sự kiện lịch sử
            Để bạn đọc dễ theo dõi, tôi xin trích dẫn những mốc lịch sử để minh chứng qúa trình lịch sử hình thành  của một làng quê : Kẻ Gám
     Theo Đại Việt Sử Ký Toàn thư ( ĐVSKTT) thì vào thời Tiền nhà Lý, trước những năm 541 Lý Bôn làm chức Giám Quân ở châu Cửu Đức.
   Mùa xuân tháng Giêng năm 544, Lý Bôn liên kết các hào kiệt  mấy châu, trong đó có tù trưởng Triệu Túc( cha của Triệu Việt Vương) đánh tan được giặc Lương, lên ngôi vua xưng là Lý Nam Đế, đặt hiệu nước là Vạn Xuân. Lý Nam Đế cho con cháu khai đất, chiêu dân lập trang ấp theo chế độ lộc điền và lương điền, theo luật lúc ấy cho phép các vương hầu, công chúa, phò mã và con cháu Hoàng tộc được lập điền trang( ĐVSKTT, tập 2, trang 984).
     Từ năm 541- 602, trong 62 năm cai trị nhà  Lý là khoảng thời gian đủ để Lý Thiên Cương, con cháu hoàng tộc Lý Nam Đế xây dựng trang ấp thành làng xã trù phú như sự tích đã kể
       « Năm Ất Sửu, Vua nhà Tuỳ sai tướng Lưu Phương sang đánh dẹp nhà tiền Lý. Trước 30 vạn quân của nhà Tuỳ, nhà tiền Lý có nguy cơ bị tiêu diệt. Với chính sách trả thù của Lưu Phương : đem các quân thần nhà Lý Nam Đế chém sạch để trừ mầm hoạ sau này. Vua nhà Tuỳ sai Lưu Phương vào Hoan Châu để cai quản.... Với chính sạch trà thù tàn bạo của Lưu Phương, dòng tộc Lý Nam đế bị  tiêu diệt, một số phải xiêu bạt thay tên đổi họ ẩn tích » (ĐVSKTT, tập 1, trang 161-162). Trong hoàn cảnh lịch sử đó Lý Thiên Cương biết mình sẽ bị truy diệt trong danh sách Hoàng tộc, nên đã bỏ dinh cơ ở Chân Cảm để ẩn tích  lánh nạn          .
             Việc đào giếng là có thật, nhưng sự sa sút về cơ nghiệp của Lý Thiên Cương có thể từ khi bác là Lý Thiên Bảo thất thủ lánh nạn ở Thanh Hóa. Đến khi Nhà Tùy đánh hậu Lý Nam Đế là Lý Phật Tử, thì nguy cơ suy sụp của Nhà  Lý không thể tránh khỏi. Ông Lý Thiên Cương là bậc tài giỏi, sớm biết sự việc sẽ xẩy ra vào buổi đầu “Lý Phật Tử dùng gian kế thông gia với Triệu Việt Vương để  cướp ngôi. Sử gia Ngô Sỹ Liên có lời bình : « đấng quân vương dùng thủ đoạn hèn mọn đó trước sau  cũng  bại danh. »
        Truyền thuyết về làng Kẻ Gám
     Về làng Kẻ Gám  chúng ta sẽ được  người dân từ già đến trẻ kể rành rọt sự tích cánh đồng ông Lý và truyền thuyết ông Lý Thiên Cương, Có thể khẳng định rằng đây là sử thi nói về buổi đầu sơ khai lập nên làng Gám. Truyện được lưu lại rằng :
  .....Xa xưa, có một ông họ Lý, tên Cương. Lý Thiên Cương thuộc dòng dõi hoàng tộc thời tiền Lý  (Lý Bí) cũng có ý cho rằng Lý Thiên Cương là con Lý Bí  vì Lý Thiên Bảo không có con trai  (Lý Thiên Bảo là anh  ruột của Lý Bôn ). Lý Thiên Cương đã nhờ thầy địa lý giỏi người Tàu (Trung Quốc) xem long mạch  chọn đất để chiêu dân lập ấp.
            Khi về Hoan Châu, thầy địa lý họ Lục đến  chân núi Phượng Sơn,  thấy nơi đây long mạch tốt “ Thế Long chầu hổ phục” có núi, có sông, có suối hội tụ mọi điều của phong thủy. Thầy địa lý chỉ vùng đất trước chân núi Phượng Sơn (Rú Gám ngày nay) cho ông Lý Thiên Cương lập ấp và đặt tên chữ cho trang ấp là Chân Cảm. Nghĩa là chân thật, vững chãi trường tồn. Cảm là đông vui, trù phú  Nói tóm lại là một  trang ấp trù phú, phồn thịnh trường tồn.           
          Ông thầy địa lý nói với ông Lý Thiên Cương rằng:  đây là đất phát tài và lộc. Nếu biết tu nhân tích đức, thương dân thì tài lộc lưu lại muôn đời cho con cháu. Để khẳng định lời tuyên đoán của mình, ông thầy địa lý cho trồng một khóm trúc (dấu tích cồn trúc hiện nay còn ở xóm 5 xã Tăng Thành) và hẹn ước với ông Lý Thiên Cương rằng:  khi tôi trở lại, nếu ông làm được 100 ngôi nhà  trở lên, sẽ xin nhận tiền thưởng. Số tiền tôi xin nhận đủ xâu hết số trúc ở  cồn này (tiền đồng có lỗ) nếu không đủ 100 ngôi nhà, tôi hứa không nhận một xu, hai ông đã thỏa thuận điều ước đó.   
    Nhờ long mạch tốt, thiên- địa - nhân hòa cùng với tài năng tổ chức, quản lý của ông Lý Thiên Cương, chỉ một thời gian sau trang ấp phồn thịnh, dân các nơi đổ về đây làm ăn đông đúc, đất đai mở rộng, ngành nghề phát triển, trồng trọt, chăn nuôi. Ngoài ra còn trồng bông dệt vải, chài lưới, khai thác lâm thổ sản, trao đổi hàng hóa. Nhờ vậy dinh cơ của ông Lý Thiên Cương cũng như dân chúng phát triển nhanh chóng trang Chân Cảm- làng Kẻ Gám trù phú, đời sống vật chất no đủ, đời sống văn hóa và tâm linh:  Đền Chùa,  Miếu mạo và các công trình kiến trúc khác được xây dựng khắp nơi..........
            Vào một ngày đẹp trời, ông Lý Thiên Cương đi kiểm tra tư dinh của mình. Khi đi qua cồn trồng trúc, thấy trúc phát triển quá nhanh - mới năm nào chỉ một khóm nhỏ, bây giờ trở thành cồn trúc rậm rạp xanh tốt.  Sực nhớ lời hẹn ước năm xưa với thầy địa lý họ Lục,  ông Lý Thiên Cương có chút băn khoăn hối tiếc: nếu tiền xâu hết số trúc này thì nhiều vô kể, tài sản mất đi không ít. Sau đó ông nghĩ kế đối phó: một là không cho làm thêm nhà, chỉ dừng lại 99 ngôi, mặc dù ông đủ dư thừa làm hơn thế,  thứ hai là cho người hãm không cho trúc phát triển thêm.
            Theo định ước, thầy địa lý họ Lục trở lại, khi quan sát trang ấp ông Lý Thiên Cương chỉ có 99 ngôi nhà , cồn trúc có nhiều dấu tích bị hãm. Ông họ Lục biết mình bị lừa,  giận lắm, nhưng không nói ra mà lập kế phản lại.
         Vào một đêm trăng sáng tiết trời lập hạ, hai ông uống rượi đàm đạo việc thời cuộc và phong thủy. Ông thầy địa lý họ Lục ngắm sao mà nói với ông Lý Thiên Cương rằng: Thời gian tới trời sẽ có hạn hán lớn,  ngài nên cho đào thêm giếng để lấy nước cho chim Cu (chim bồ câu) tắm và uống. Tôi thấy vùng đồng Sương Rộng có thủy mạch tốt (vùng nuôi chim sau này đặt tên đồng Chim Cu nay thuộc xóm 7, xã Xuân Thành, dấu tích giếng  Rộng đang còn ) Nghe lời ông họ Lục, ông Lý Thiên Cương cho đào giếng mới theo nơi chỉ dẫn.Đúng năm đó hạn lớn, chim bồ câu  nuôi có nước giếng để uống và tắm.
           Nhưng một thời gian sau khi đào giếng, gia sản của ông Lý Thiên Cương bị sa sút nhanh chóng. Ngẫm nghĩ biết mình bị phản, vừa tức giận, vừa tự cắn rứt lương tâm vì mình không trung thực mà dẫn đến cơ sự này. 
   Vào một đêm thanh vắng, ông Lý Thiên Cương một mình một ngựa lặng lẽ ra đi không để lại lời dặn dò gì với người nhà và gia nô. Ai cũng tưởng ông đi tu tiên.
     Một thời gian sau, dân làng phát hiện bộ dây cương ngựa của ông để  tại ngọn đồi ở phía nam núi Phượng Sơn (Rú Gám). Làng lập đền thờ nơi đây để tưởng nhớ công ơn ông. Còn ngọn đồi ấy được đặt tên là Động Cương (nay thuộc làng Bắc Sơn, xã Bắc Thành, đền này mới được tu tạo lại khá khang trang ).
   Trải qua nhiều triều đại,  vùng dinh cơ ông Lý Thiên Cương bị hoang phế,anhan dân san phẳng để lấy đất canh tác. Cách đây khoảng 5- 6 năm, khi làm ruộng nhân dân 2 xã Xuân-Tăng vẫn thấy nhiều mảnh  gạch ngói vỡ là dấu tích  nhà cửa  ngày xưa của ông Lý Thiên Cương.
            Hiện nay trong danh Bạ địa chính của 2 xã Xuân Thành, Tăng Thành có tên cánh đồng Ông Lý. Nền đền thờ (còn gọi là nghè ) ông Lý Thiên Cương  hiện nay ở cạnh đường từ xóm 5 xã Tăng Thành lên đường 538. Đền ông Lý Thiên Cương bị  dỡ bỏ trong thời kỳ di dời mồ mả để cải tạo đồng ruộng, phục vụ cơ giới  nông nghiệp: 1962 -1965 và 1971 - 1975.     
     Hàng năm vào ngày 15-2 âm lịch, làng tổ chức lễ Kỳ Phúc tế các vị thần có công với dân làng, vị hiệu văn tế   
            Lý Thiên Cương Quốc Công, tướng công gia phong dực bảo Trung Hưng linh phù tôn thần (giáp đông phụng tự)      
             Từ trang Chân Cảm đến làng Kẻ Gám đổi sang làng Xuân Nguyên. Từ buổi đầu ấy (541) đến nay (2010) đã trên 1400 năm. Một làng quê có bề dày lịch sử, đã chứng kiến và cùng thăng trầm với bao biến cố của lịch sử dân tộc. Các thế hệ dân làng đã đổ bao công sức, trí tuệ gom nhặt những tinh hoa của người Việt đã sáng tạo và lưu lại cho hậu duệ ngày nay nhiều di sản văn hóa vật thể, và phi vật thể, cụ thể :
               A. Di sản vật thể :
      1. Chùa :  Có chùa Gám được xây dựng thời nhà Lê, được xếp hạng
          DI  TÍCH VĂN HÓA cấp tỉnh năm 2007
      2. Đình làng:  có 3 đình: Đình Chợ, đình Trung, đình Bổ
      3. Điếm: mỗi giáp, chòm đều có điếm làm nơi hội họp và nơi tuần làng giao tuần phòng. Làng có 4 điếm trung tâm và 2 điếm của 2 giáp trực thuộc là giáp Nông, giáp Cò
     4. Đền, Miếu, Nghè.
     Khi xưa làng Kẻ Gám lập 18 ngôi đền, miếu để thờ phụng các vị Thành Hoàng và thiên thần. Cụ thể là :
 - Đền Cả: đền Gám thờ thần: Cao Sơn, Cao Các
 - Đền Rú Gám: Thờ thần núi đá :  nữ thần Bạch Thạch
 - Đền Thờ Nhà Thánh: Thờ thần Đức Khổng Tử, đây cũng trường      khuyến học của làng danh cho con em trong làng học miễn phí
 - Đền thờ Ông Lý Thiên Cương ( ở đồng ông Lý)
 - Đền thờ ông Lý Thiên Bảo ( bác của ông lý thiên Cương ở chòm 2)
- Đền thờ bà Chúa Trịnh Thị Ngọc Dung Vợ của lại quận công Phan Công Tích
- Đền thờ  Phú Vi, thờ  ThiênThần  (  đồng phú vi, Chòm 4 )
- Đền thờ Bạch Y Công Chúa  ( đồng Cầu Trai )
- Nhà thờ ông Triệu Râu , Huý là Ngô Tất Đào  (Chòm 2 )
- Mồ Cố Vơ ở đồng Cù Vơ
- Đền thờ Cồn Nông    (giáp nông )
- Đền thờ lại quận công Phan Công Tích ở giáp Cò ( nay xóm 12 xã Đồng Thành )
- Đền thờ Đồng Phủ phía nam đồng rộc trìm , cách làng long Hồi  200m
- Đền thờ Hậu Điền ( Đồng Hậu ở  Chòm 1 )
- Đền thờ : Hồ Ông Lạm Sơn là một vị tướng nghĩa quân Lê Lợi
    5. Cổng làng:
  Cổng Sen,  Làng Gám có 10 cổng
 Khi xưa, đầu tuyến các con đường dẫn vào làng đều có cổng xây, gọi là cổng Sen, trên mái lợp ngói, hai cánh cữa cổng làm bằng gỗ lim chắc chắn. Ngoài giờ quy định các cổng đều đóng lại chỉ có tuần làng đi lại . Trong giờ giới nghiêm, nếu ai đi lại tuần làng sẽ bắt giữ, có mất mát gì trong đêm đó phải chịu trách nhiệm. có các cổng:
     Chòm 1: có 3 cổng, Cổng Chốt, cổng sương Rộng, cổng Sau
     Chòm 2 :  có 3 cổng, Cổng Chợ, cổng Phủ, cổng xóm Gạo
     Chòm 3 :  có 2 cổng, Cổng Chùa, cổng Ruộng Mậu
     Chòm 4: có 2 cổng, Cổng trang, cổng Choi
 Các cổng làng bị phá bỏ bởi không phù hợp với phương tiện giao thông mới

    6. Cầu Đá: có 6 chiếc cầu đá
          Trước đây các cầu làm bằng gỗ hay tre, nhưng chỉ qua vài năm thì bị hư hỏng, vào năm 1940-1944, vượt qua trở ngại thờ thần đá “nữ thần Bạch Thạch”, ông Hoàng Đình Tao vận động làng tiến hành làm hai cầu đá đầu tiên là cầu Đất và cầu Choi. Một thời gian thấy dần làng đều  bình yên, làng tiếp tục làm các cầu  bằng đá khác thay thế cho cầu làm bằng gỗ
      Các cầu được làm toàn đá khối,Trụ và Dầm làm bằng đá xanh, mặt cầu có bề rộng 1,2m ghép bởi hai phiến đá hình chữ nhật ( rộng 0,60m, dài 1, 500m) các nghệ nhân xưa đã đẽo ngọt hoa văn rất công phu                
 - Cầu Rộc Trìm                                  có 4 nhịp
- Cầu Choi                                           có 3 nhịp
- Cầu Quan viên ( do người đỗ đạt góp tiền làm cầu) có 2 nhịp
- Cầu Rộc Thần ( từ chùa lên rú Gám )  có 3 nhịp
- Cầu Trai                                             có 2 nhịp
- Cầu Xóm Ao                                     có 1 nhịp
                                                               
   Làng có  9 Giếng cổ
 Trước đây thầy địa lý cho đào các giếng chủ yếu ở phía Đông làng, ngoài có nước sinh hoạt cho dân, còn có mục đích chặn giữ long mạch lại khỏi chạy  đi nơi khác
         1.  Giếng Trìm ở rộc trìm            
         2.  Giếng Nội  cạnh đình Chợ     
         3.  Giếng Quan  ở đồng Xiêm     
         4.  Giếng Rộng                            
         5.  Giếng Trang                            
         6.  Giếng Nhà Trinh
         7.  Giếng Lấp
         8.  Giếng Chùa                        
         9.  Giếng Cồn Nông                
  Sau năm 1945 làng đào thêm 3 giếng mới: giếng Nhà Trét, Giếng Đình, Giếng xóm Cổng ( (thuộc xóm 5, xã Tăng Thành )     
 
                                                   Hoàng Đình Độ
                                             Xuân Thành, Yên Thành, Nghệ An
                                                   Dd :  0168 269 1546
                                                  Mail:  docamlo@gmail.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét