Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

Những kỷ niệm của tôi tại trường CĐSP Nha Trang ( bai blog cu sang )






Những kỷ niệm của tôi tại trường CĐSP Nha Trang
Tháng 11-1975 tôi được Bộ GD cử vào giảng dạy tại trường CĐSP Nha Trang. Do chiến tranh nên quyết định về chậm, chỉ còn 03 ngày nữa tôi phải có mặt tại Bần, Yên Nhân, tỉnh Hưng Yên để dự lớp tập huấn.
Vì vậy, ra đi, tạm biệt mái trường sư phạm cấp 2 Hà Tĩnh mà không có  cuộc gặp mặt chia tay như bao người khác. Lúc đó trường sư phạm cấp 2 đã về tại Bộc Nguyên thuộc xã Thạch Điền, huyện Thạch Hà , Hà Tĩnh. Về quê vợ tại xã Đức Phong, Đức Thọ Hà Tĩnh được một ngày rồi tam biệt vợ con, ông bà ngoại tôi ra Bắc cho kịp ngày tập huấn theo quyết định của Bộ GD. Trên ba lô tôi lúc đó chỉ có sách để dùng cho công tác giảng dạy và  vài bộ quần áo đơn sơ, một chiếc chăn chiên, một cái mùng ( màn ) một. Tôi ra đúng ngày giờ quy định và học tập tại Bần Yên Nhân 01 tháng. Tháng 12 năm 1975  trời rét giá mà đài tiếng nói Việt Nam thông báo 30 năm nay mới có cái lạnh buốt thấu xương như thế này. Các bạn biết không, tôi chỉ có một chiếc chăn chiên và vài bộ quần áo đơn sơ thì cái rét mà tôi phải chịu đựng lúc này thật ghê gớm. Nhiều đêm rét không ngủ được.
Ngày 26-12-1975 Bộ Giáo Dục đã thông báo danh sách cán bộ giáo viên  về 6 trường CĐSP miền Nam : CĐSP Huế, CĐSP Đà nẵng, CĐSP Nha Trang, CĐSP Đắc Lắc, CĐSP Đà Lạt và CĐSPTP HCM.Tôi được về CĐSP Nha Trang cùng với 22 anh em khác.
Đây là khung giáo viên đầu tiên xây dựng 6 trường CĐSP  cho miền Nam sau ngày đất nước thống nhất
Đúng ngày 30-12- 1975, chúng rời ga Hà Nội vào Thành phố Vinh. Từ thành phố Vinh chúng tôi chuyển lên xe ô tô Cửu Long để vào miền Nam .Lúc này đường tàu mới thông suốt từ Hà Nội vào Vinh . Đúng ngày 1-1-1976 đoàn CĐSP Nha Trang về đến TP biển. Lúc này 6 trường chỉ có Ban điều hành mà chưa có danh sách Ban giám hiệu nhà trường. Sau 01 tuần lễ  tôi và thầy giáo Đinh Phượng Sồ lên tỉnh Gia Lai- Kon Tum để bàn công tác tuyển sinh cho Gia Lai- kon Tum ( giáo viên cấp 2 ) tại CĐSP Nha Trang. Lần đầu tiên vào miền Nam và là lần đầu tiên lên Tây Nguyên, dọc đường từ đèo An Khê (tỉnh Bình Định) lên Tây Nguyên, xe ô tô chạy vun vút lao trên những con đường đèo và đường đất đỏ Cao Nguyên. Mắt tôi cứ nhìn xung quanh  để quan sát phong cảnh Tây Nguyên. Lúc bây giờ, đất cao nguyên tôi thấy chỉ có hầu hết là cây lau, sậy, cỏ tranh, cây bụi mọc trải dài trên đất đỏ Ba Zan, thỉnh thoảng gặp những doanh trai lính Mỹ -Ngụy đầy  rẫy xác những mảnh sắt của xe zep, ô tô, , thùng phuy, hòm đựng đạn, dây kẽm gai.v.v. Sau một ngày đường, chúng tôi đến Sở GD Gia Lai- Kon Tum . Xong công việc, tôi và Thầy Sồ tạm biệt cao Nguyên về lại Nha Trang. Đây là một trong những kỷ niệm vào thời gian đầu  của tôi khi về công tác ở CĐSP Nha Trang.
Sau này, tôi có dịp đi lên Tây Nguyên thì thấy khác hẵn. Rừng cao su, nông trường ca phê, chè, ca kao .v.v...các khu công nghiệp với  các dãy nhà cao tầng của cơ quan, doanh nghiệp mọc lên  v.v.. đã thay thế cho cây cỏ tranh, cây sậy, cây bụi.v.v... trước đây. Một khung cảnh Tây Nguyên giàu có đã và đang diễn ra trên đất đỏ bazan này.

Hình Kỷ niệm họp về giáo dục môi trường
tai PlayKu,Tây Nguyên- 12-2001
Trong thời gian công tác, do tôi có tinh thần phấn đấu trong chuyên môn nên đã được Tổ Sinh-Nông, Hội đồng thi đua nhà trường bình bàu chiến sĩ thi đua cấp trường.  Đặc biệt năm học 1987 -1988,  đồng chí Chủ tịch UBND Tỉnh Phú Khánh Võ Hòa có trao nhiều giải thưởng của đồng chí cho các GV dạy giỏi, cán bộ phục vụ tốt, tổ lao động XNCN, giáo sinh ( sinh viên hiện nay) thi tôt nghiệp đạt loại giỏi, trong đó GV dạy giỏi có tôi và anh Lưu Đức Trọng.
Năm 1988 tôi được anh em công đoàn Trường CĐSP Nha Trang bầu vào Ban chấp hành khóa 1989-1991. Ban chấp hành bầu tôi làm chủ tịch công đoán khóa đó. Đây cũng là một kỷ niệm của tôi tại CĐSP Nha Trang.


Thầy Hoàng Từ ( đứng ngoài cùng bên trái) và một số CBCNV, giáo sinh nhân quà đồng chí chủ tịch tỉnh Phú Khánh Võ Hòa ( người đứng thứ 2 bên trái qua) trao tăng năm học 1987-1988. Thầy Nguyễn Xuân Đàm, Hiệu trưởng CĐSP Nha Trang ( người đứng ngoài cùng bên trái)


Toàn BCH công đoàn trường CĐSP Nha Trang khóa 1989-1991.
  Đ/c Hoàng Từ Chủ tịch công đoàn người đeo kính 
Đ/c Nguyễn Bích Đoàn, nguyên chủ tịch công đoàn khóa 1986-1989 ( người đứng phía ngoài bên phải )
Đ/c Hoàng Dũng ( người đứng cầm Micrô) Phó chủ tịch công đoàn khóa 1989-1991.
 

Hình ảnh các đại biểu về dự đại hội công đoàn CĐSP Nha Trang khóa 1989-1991 ( đại hội ngày 20-11-1989 - đ/c Hoàng Từ Chủ tịch công đoàn, người đeo kính ngồi hàng trước
Nhiệm kỳ 1986-1988  đồng chí Nguyễn Bích Đoàn là chủ tich công đoàn CĐSP Nha Trang. Tôi là người kế nhiệm khóa 1988-1991. Anh Nguyễn Bích Đoàn là  một cán bộ công đoàn được anh em công đoàn tin yêu. Trong thời bao cấp, anh thường  nói vui mà thật về công đoàn như sau: Công đoàn là mẹ là cha, đói cơm rách áo thì ra công đoàn

Trong công tác công đoàn anh là người Chủ tịch, người cán bộ thực sự quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của từng gia đình đoàn viên công đoàn. Những hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, hay về  sự rạn nứt trong tình cảm vợ chồng của từng gia đìnhv.v... anh đều  nắm bắt kịp thời; từ đó có phương pháp giúp đỡ nên mọi người rất  quý mến người chủ tịch công đoàn. Trong thơi gian công tác giảng dạy, hàng năm một trong những nhiệm vụ của thầy giáo là  lãnh đạo các đoàn thực tập sư phạm tại các trường PTCS, Nhiệm vụ trường CĐSP giao có thể là trưởng hay  phó đoàn chỉ đạo thực tập tốt nghiệp.  Tôi được BGH nhà trường nhiều  năm cử làm cán bộ giám sát các cụm thực tập hay làm trường đoàn chỉ đạo thực tập tại các trường PTCS trong tỉnh Phú Khánh.
Dưới đây là một số hình ảnh của tôi làm trường đoàn thực tập sư phạm tốt nghiệp tại các trượng PTCS trong tỉnh Phú Khánh

Thầy Hoàng Từ trưởng đoàn thực tập sự phạm( người ngồi hàng trước đeo kính) . Thầy Nguyễn Chính , phó đoàn ( ngồi khuất sau hàng ngồi dưới cùng bên phải) chụp ảnh kỷ niệm với  giáo sinh trong đoàn thực tại trường PTCS Hòa Trị 2 - 3-1983

Thầy Hoàng Từ ( trưởng đoàn TTSP , người đứng giữa đeo kính) và Giáo sinh đoàn thực tập CĐSP tai trường PTCS số 1 thị trấn Diên Khánh 3-1984


Ban chỉ đạo thực tập sư phạm tại trường PTCS số 1 thị trấn Diên Khánh  3-1984. Thầy Từ trưởng đoàn đứng giữa, đeo kính, thầy Ân hiệu trưởng đứng kề bên phải

  Thầy Hoàng Từ đang báo cáo tổng kết thực tập sư phạm tại trường PTCS An Dân 8-4-1985


Giáo sinh đoàn thực tập tại trường PTCS An Dân
đang tham quan công trình thủy lợi của địa phương (1985)
Thầy Hoàng Từ trưởng đoàn người đứng thứ 3 đội mũ từ cuối lên
 

Thầy Hoàng Từ ( ở giữa) trưởng đoàn thực tập An Chấn 1986 cùng  2 cán bội địa phương An Chấn và  đoàn thực tập, GV và HS trường PHCS An Chấn đi tham quan Hòn Chùa  3-1986



Ban giám hiệu trường CĐSP Nha Trang chụp ảnh kỷ niệm với các trưởng đoàn thực tập sư phạm khóa 8 ( năm 1985)
Thầy Lê Phương hiệu trưởng ( người  thứ 3 hàng sau kể từ phải qua)
Thầy Đinh Hòa Khánh GĐ sở GD-ĐT ( người thứ 4 đứng hàng sau bên phải qua)
Thầy Nguyễn Minh, phó hiệu trưởng( người đứng thư 5 hàng sau từ bên phải sang). thầy Hà Quỳ phó hiệu trưởng ( người ngồi thứ 1 hàng dầu bên phải)
Thầy Hoàng Từ trưởng đoàn thực tập An Dân ( người ngồi thứ 3 hàng đầu từ phải qua)
Thầy Nguyễn Sang Trưởng phòng Giáo vụ nhà trường ( sau này là Hiệu trưởng nhà trường ), người đứng  sau cùng bên phải qua
Thầy Phạm Gia Cát, cán bộ phòng Giáo vụ, phụ trách nghiệp vụ     ( người ngồi thứ 3 bên trái qua)
Thầy Nguyễn Duy Kích ,Trưởng phong đào tạo-bồi dưỡng Sở GD-ĐT Phú Khánh) người đứng thứ 2 hàng sau từ trái qua)
Thầy Phạm Xuân Thạch, trưởng đoàn.... ( người ngồi thứ 2 phải qua )
Thầy Hiểu,trưởng đoàn.....( người ngồi thứ 2 trái qua)
Thầy Chu Xuân Bình , trưởng đoàn.... ( người ngồi thứ nhất trái qua)
Thầy Nguyễn Bích Đoàn, Trưởng phòng hành chánh quản trị ( người đứng thứ 3 trái qua)
Thầy Đoàn Duy Xuân, trưởng đoàn....( người đứng thứ 4 trái qua)
Cô Quý , trưởng đoàn....( người đứng thứ 5 trái qua)
Thầy Nghĩa trưởng đoàn.... ( người đứng thứ 6 trái qua )
Thầy Thái Quang Trợ, PTS Sinh Hóa , trưởng đoàn....( người đứng thứ nhất phải qua )
Những kỷ niệm của tôi về thầy Hiệu Trưởng CĐSP Nha Trang Lê Phương
Thầy hiệu trưởng Lê Phương  là một thầy giáo tôi rất kính trọng..  Những hình ảnh của thầy trong khi đọc các bài diễn văn tổng kết năm học, ngày lễ của đất nước như 2-9, 19-5, 20-11, 30-4.v.v… thu hút lòng người và có sức thuyết phục rất cao. Tôi cũng hiếm thấy một nhà giáo có trình độ hiểu biết rất sâu sắc, toàn diện mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội.Giáo dục v.v…của địa phương, đất nước và thế giới như thầy. Lời văn hùng hồn, nội dung hấp dẫn thu hút  mọi người. Khi thầy nói, đọc diễn văn cả hội trường hàng trăm thầy cô giáo và  ba bốn trăm giáo sinh ngồi nghe một cách say sưa, không có một tiếng nói riêng trong hội trường.
 Thầy giải quyết công việc của nhà trường hoặc những sự vụ mang tính chất cá nhân đều hài hòa giữa cái chung và cái riêng nên mọi người  thấy hài lòng và và tiếp tục hoàn thành  nhiệm vụ của mình.
Thầy rất sát sao từng giáo viên. Một trường hợp của tôi mà trong đời tôi không bao giờ quên. Vốn tôi là người rất ham đọc sách và  ghi chép các tư liệu phục vụ cho chuyên môn. Từ khi  dạy ở trường sư phạm cấp 2 Hà Tĩnh (1966 -1975) vào Nha Trang (1976-  đến 1977)  tôi đã  tích lũy được 4 tập viết bằng tay vào  4 quyển. Mỗi quyển dày từ 150 trến 500 trang tư liệu. Ngày 15-7-1977 thầy mời tôi lên phòng hiệu trưởng và tặng tôi một quyển sách giấy trắng khổ nhỏ dày 458 trang. Trang đầu thầy ghi lời tặng như sau ;
                      Thân tặng
Đồng chí Hoàng Từ, một thầy giáo hiếu học
và đã tự học có kết quả trong học kỳ I năm học 1977.
                              Ký tên
                            Lê Phương
Về vật chất không lớn nhưng ý nghĩa tinh thần đối với tôi quá lớn. Một thầy hiệu trưởng hiểu đến từng giáo viên và kịp thời động viên các thầy giáo trong giảng dạy, trong đó có tôi.
 Quyển vở đó tôi tiếp tục  đề :
           Ghi chép tư liệu Sinh học
                        TẬP 5
                     Hoàng Từ
Từ khi có máy tính tôi đưa những tư liệu cần thiết lưu trử vào máy, không ghi chép qua vở nữa. Tính từ 1966 đến 1990 tôi đã có 8 tập ghi chép tư liệu và từ 1990 đến nay tôi có hàng ngàn trang tư liệu trên máy tính  đủ mọi lĩnh vực.
Ngày 20-11-2008, như thường lệ, tôi đến chúc mừng thầy nhân ngày nhà giáo Việt nam 20-11. Thầy tặng tôi một quyển sách - tập bút ký  Gió biển   của tác giả Vũ Hoàng Lâm.; NXB Hải Phòng.-2007.
Về nhà mở xem , tác giả Vũ Hoàng Lâm viết  một số gương điển hình tiên tiến của ngành giáo dục, trong đó tác giả đã viết về thầy Lê Phương  với tiêu đề” Dấu ấn của thời gian”. và bài viết được để  vào  những trang đầu của cuốn sách.
Tác giả Vũ Hoàng Lâm với lời mở đầu  viết về thầy Lê Phương như sau:
“ Có những người sống cùng chúng ta qua bao năm tháng, ta cảm thấy như đó , một hiện diện hiển nhiên, một phần tất yếu của cuộc sống. Nhưng đến khi con người đó chuyển sang nơi khác, ta cảm thấy hiện lên một khỏang trống vắng, một hẫng hut, một cái gì cứ bâng khuâng như nỗi nhớ.
Nhà giáo Lê Phương, nguyên giáo viên dạy toán trường cấp 3 Ngô Quyền, nguyên Hiệu trưởng  đầu tiên trường sư phạm trung cấp Hải Phòng, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục Hải Phòng là một con người như thế”
 Lời viết về thầy Lê Phương của tác giả Vũ Hoàng Lâm, tôi thiết nghĩ rằng mình không cần nói gì thêm về thầy nữa.
Năm 2010, thầy đã trọn 85 tuổi, em kính mong thầy vui, khỏe cùng con cháu và đồng nghiệp.
  Mời các bạn xem một vài hình ảnh  về thầy Lê Phương mà tôi vừa đề cập trên đây:


  Quyển sổ thầy Lê Phương tặng  Hoàng Từ năm 1977


  Thầy Lê Phương ghi lời tặng tội quyển sổ  ghi chép nói trên


Trang đầu  cuốn tùy bút " Gió Biển" của Vũ Hoàng Lâm
thầy Lê Phương ghi lời  tặng tôi ngày nhà giáo VN 20-11-2008

Hình ảnh gia đình thầy Lê Phương ( trên) và hình ảnh thầy đang
trao đổi với  BGH và cán bộ, GV trường CĐSP Nha Trang
( ảnh của tác giả Vũ Hoàng Lâm để trong bài viết về thầy Lê Phương )
 Nói đến nhà trường chúng ta không thể quên đội ngũ thầy cô giáo. Thầy cô là những người quyết định chất lượng giáo dục. Tội được sống với anh em tổ Sinh- Nông nghiệp từ những ngày đầu thành lập trường. Từ năm học1977-1988  đến năm học 1981-1982 tội giữ nhiệm vụ tổ trưởng Sinh-Nông. năm học đầu tên của trường mới có 04 thầy cô: Thầy Thành ( quê Phú Thọ), thầy Từ ( Nghệ An), cô Xuyến, thầy Thạch ( HS MN , quê Quảng Ngãi ). Sau đó đội ngũ các thầy cô được tăng lên dần.  Trong công tác chúng tôi đều cố gắng hoàn thành nhiệm vụ , nhiều năm liền là tổ tiến tiến, tiên tiến xuất sắc. Là bộ môn thực nghiệm nên toàn tổ chăm lo xây dựng phòng thí nghiệm để đảm bảo chất lượng thực hành bộ môn.
Một kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên đó là ngày tổ chúng tôi làm mẫu nhồi vích ( rùa biển). Tất cả nguyên liệu đầy đủ nhưng còn thiếu bông nhồi bên trong để tạo dáng cho con vích đẹp. Tôi đã lấy chiếc chăn chiên tôi đưa từ miền Bắc vào xé nhỏ nhồi vào bụng vích thay cho bông ( bông không có). Như vậy chiếc chăn chiên tôi dùng đắp ấm những ngày rét căm căm tại nơi tập huấn Bần, Yên Nhân Hưng Yên ngày nào bây giờ lại nằm trong bụng con vích. kết quả mẫu nhồi rất đẹp và sau đó chúng tôi lại làm tiếp mầu nhồi thứ hai. Một điều thú vị nữa  là trong dịp đoàn đại biểu Uzơbekistan ( Liên Xô cũ) sang thăm tỉnh Phú Khánh ( tỉnh kết nghĩa với Phú Khánh) và đoàn vào thăm trường CĐSP Nha Trang. BGH nhà trường đề nghị tổ Sinh Nông chọn mẫu vật biển  để tặng đoàn. Con vích làm mẫu nhồi đầu tiên được chọn để làm quà kỷ niệm cho đoàn về TP biển và trường CĐSP Nha Trang.
Mỗi lần nhớ lại những kỷ niệm về CĐSP Nha Trang tôi nhớ về kỷ vật này; vì con vích lần đầu tiên tôi chủ trì làm mẫu, cái chăn chiên tôi dùng ở Xứ Nghệ , rồi theo tôi ra Bắc , lại vào Nam và cuối cùng nó nằm trong bụng con vích để đi về Uzơbekistan Châu Âu.
Mời các bạn xem hình ảnh tổ Sinh - Nông  CĐSP Nha Trang

  GV tổ Sinh - Nông CĐSP Nha Trang (Ảnh chụp ngày 20-11-1989)
Hàng đầu từ phải qua: Cô Tôn Nữ Liên Châu, Nguyễn Thị Đặng, Nguyễn Thị Long, Võ Thị Như Thuỷ
 Hàng thứ hai từ phải qua: Lâm Thị Hoàng, Lê Thị Nhâm, Nguyễn Thi Nhàn, Phạm Thị Xuân Đào, Phạm Xuân Thạch.
 Hàng thứ 3 từ phải qua: Lương Thị Chung, Hoàng Từ, Cao Khả Chiến

Hình ảnh anh em công đoàn Khoa Hóa-Sinh- Địa tham gia ca hát  chào mừng sinh nhật Bác ( 19-5-1988).
 Chị Tôn Nữ Liên Châu đối với anh em trong tổ như những người em ruột thịt. Trong năm, chị thường nhân những ngày lễ, ngày kỷ niệm  như 8-3, 30-4, 1-5, 19-5, 20-11, ngày tết Nguyên đán dân tộc .v.v. chị thường tổ chức những bữa cơm thân mật mời anh em chúng tôi đến nhà  nâng ly chúc mừng nhau thật ấm cúng. Ngược lại, chúng tôi cũng vậy, vì thế tình cảm  anh em trong tổ thêm đặm đà tình nghĩa. 
Trong những đợt đi chỉ đạo thực tập sư phạm tại các trường PTCS        ( nay là THCS) của các xã trong tỉnh Phú Khánh, tôi thường làm những bài thơ để ghi lại những kỷ niệm tại nơi công tác. Tổng số  bài thơ 14.
Một số bài tôi đã viết vào Blog giới thiệu cho các bạn đọc trên mạng như: Sông cầu quê em, An Chấn quê anh...  Hôm nay tôi giới thiệu một bài thơ " Tặng em quê ở Phú Tân" . Bài thơ này tôi viết trong dịp anh  Xuân Tài quê ở Phú Tân , xã An Cư  (nơi có đầm Ô Loan) , thuộc huyện Tuy An. Tỉnh Phú Khánh ( nay là Phú Yên). Anh Tài là giáo sinh Ban văn lớp 3B khóa 8. Anh Tài đi thực tập  tại trường PTCS An Dân, trong ngày chủ nhật, anh mời tôi về quê chơi. Ngày đó tôi làm bài thơ , nay vào blog tôi xin tặng anh Tài làm kỷ niệm một lần về quê anh.
                 Tặng em quê ở Phú Tân
Ô Loan thầy đã nghe nhiều
Cá tôm, sò huyết sớm chiều đầy nghe
Xóm làng bóng mát dừa tre
Thoảng nghe tiếng máy đưa nghe rì rầm
Thầy trò dạo bước quanh đầm
Chân đi mắt ngắm thì thầm nhỏ to
Đường đi ngoắt nghéo quanh co
An Ninh, An Hải qua đò Phú Tân
Ai qua ghé lại dừng chân
Tam Giang nhìn xuống cảnh đầm Ô Loan


Thầy Hoàng Từ  (đứng trước), anh Minh giáo sinh văn 3b K8, phó đoàn( đứng giữa), anh Tình ( con bác gia chủ  tôi ở tại An Dân) đi tham quan đầm Ô Loan. Phía sau hình 3 người là đầm Ô Loan.
Lời nhắn: Nếu thầy cô giáo và sinh viên trường CĐSP  Nha Trang  ( từ 1976-1990 ) xem được thông tin trên blog của tôi xin báo cho các thầy cô giáo và sinh viên chưa biết  vào blog để cùng nhau chia sẻ những kỷ niệm trên ghế nhà trường CĐSP Nha Trang.
Xin kính chúc các thầy cô giáo  và sinh viên trường CĐSP Nha Trang  sưc khỏe, dạy tôt-học tôt xứng đáng với lòng tin yêu của nhân dân và SV
Hoàng Từ
( GV trường CĐSP Nha Trang , từ 1976-1990)
Email: hoàngtukhang2003@yahoo.com
Blog: vn.360plus.yahoo.com/hoangtukhang2003


 
 


Nguồn trích dẫn (0)
Chọn tất cả lời bình

    thuanguyen 11:15 16-04-2010

    16.4.2010
    Anh Từ!
    Kỷ niệm thật dat dào, lai láng. Hình ảnh quá tuyệt vời. Mong được đọc tiếp những ký ức cả đời người Thầy.
    Th

    ngocxncd 14:01 15-04-2010

    Con chào bố
    Con thi thoảng bận quá nên không vào blog của bố để trao đổi. Thật có quá nhiều kỷ niệm mà từ nhỏ đến lớn sống bên cạnh bố mà con không biết được. Con mong bố tiếp tục sống khỏe, vui vẻ và cập nhật thêm thông tin có ích cho mọi người.
    Con Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét