Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

HÀO MỪNG 16 NĂM NGÀY HỘI NGƯỜI CAO TUỔI VIỆT NAM ( BLOG CŨ SANG)

HÀO MỪNG 16 NĂM NGÀY HỘI NGƯỜI CAO TUỔI VIỆT NAM

Đăng ngày: 15:05 10-05-2011
Thư mục: Tổng hợp

CHÀO MỪNG 16 NĂM NGÀY HỘI NGƯỜI CAO TUỔI VIỆT NAM (10-5 -1995  đến  10-5-2011)




Ngày thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam

Trọng lão là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, các thế hệ Người cao tuổi nước ta đã có nhiều công lao to lớn đối với gia đình, xã hội và đất nước, có uy tín, vai trò, vị trí quan trọng.Ngày hội Người cao tuổi Việt Nam là hoạt động cụ thể nhằm biểu dương, động viên, phát huy vai trò, tiềm năng của người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ngày hội đã khẳng định người cao tuổi Việt Nam luôn sống vui, sống khỏe, có tình nghĩa, có văn hóa, sống có ích cho gia đình và xã hội.

Phát huy truyền thống của dân tộc, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Bác Hồ đã xác định người cao tuổi có vai trò, trách nhiệm rất quan trọng. Bác Hồ chỉ rõ: "Trách nhiệm của các cụ phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước mất phụ lão cứu, nước suy sụp phụ lão phù trì" (1). Vì vậy phải tổ chức tập hợp và phát huy vai trò, tiềm năng của người cao tuổi.
Nhằm đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người cao tuổi, theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, ngày 29-9-1993 Ban vận động thành lập Hội Người cao tuổi được thành lập, gồm 15 thành viên, do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch danh dự Uỷ ban TƯ Mặt trận Tổ quốc làm Trưởng ban, Giáo sư- Nhà giáo nhân dân, Viện trưởng viện lão khoa Phạm Khuê làm Phó trưởng ban.
Sau một thời gian hoạt động, đầu tháng 3-1994, Ban vận động thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam đã có báo cáo trình Chính phủ xin phép thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam. Ngày 24-9-1994, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 523/TTg cho phép thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam.
Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, sau một thời gian khẩn trương chuẩn bị, Đại hội lần thứ I thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam đã họp trong hai ngày 9 và 10 năm 1995 tại Hà Nội. 170 vị đại biểu của người cao tuổi các tỉnh, thành phố trong cả nước và các ngành có liên quan đến việc chăm sóc và phát huy người cao tuổi đã về dự. Đại hội đã quyết định chương trình hành động của Hội, Điều lệ Hội và quyết định lấy ngày 10-5-1995 là ngày thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội (khoá I) gồm 73 vị, Giáo sư- Nhà giáo nhân dân Phạm Khuê được bầu Chủ tịch Hội.
Từ Đại hội I thành lập Hội đến nay, Hội đã 2 lần họp Đại hội đại biểu toàn quốc.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II họp từ ngày 10 đến ngày 12-7-2001 tại Hà Nội, có 332 đại biểu thay mặt cho gần 6 triệu Hội viên trong cả nước về dự. Đại hội đã quyết định phương hướng, nhiệm vụ của Hội trong 5 năm tới, thông qua Điều lệ sửa đổi, bổ sung, biểu trưng của Hội, bầu Ban Chấp hành TƯ Hội gồm 85 vị. Đồng chí Vũ Oanh, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị được bầu làm Chủ tịch Hội. Đặc biệt, Đại hội đã được Ban Chấp hành TƯ Đảng tặng bức trướng với dòng chữ vàng "Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Đại hội lần thứ III họp từ ngày 28 đến ngày 30 tháng 12 năm 2006 tại Hà Nội, có 493 đại biểu thay mặt cho hơn 6 triệu hội viên trong cả nước về dự. Đại hội đã quyết định phương hướng, nhiệm vụ của Hội giai đoạn 2007-2010, Điều lệ sửa đổi, bổ sung của Hội, bầu Ban Chấp hành TƯ Hội khoá III gồm 121 vị. Tiến sĩ Nguyễn Tấn Trịnh được bầu làm Chủ tịch Hội.
Việc thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam kế tục, phát huy truyền thống Hội phụ lão cứu quốc đã đáp ứng nguyện vọng của người cao tuổi trong cả nước và yêu cầu của sự nghiệp chăm sóc, phát huy vai trò, tiềm năng của người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nên Hội đã phát triển lớn mạnh. Hội đã có tổ chức ở trên khắp các xã phường với hơn 7 triệu hội viên (chiếm 90% người cao tuổi cả nước) đang đẩy mạnh phong trào thi đua "Tuổi cao- Gương sáng".

NHỮNG TẤM GƯƠNG CỦA NGƯỜI CAO TUỔI

Sắc Xuân của người cựu binh Điện Biên năm xưa

Đến thăm nhà cụ Lê Văn Duy ở xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An ai cũng tấm tắc khen khung cảnh nếp nhà cụ đẹp tựa công viên.

Nhà cụ Duy “toạ” dưới chân núi Tháp, ngay khuôn viên một khu rừng nguyên sinh rộng gần 19 ha, nơi có nhiều gỗ: lim, gụ, trai...nhiều loài hoa quý và gốc cây cổ thụ hình thù đẹp mắt.
Trong chuyến thăm lại chiến trường xưa ở Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, cụ gặp lại đồng đội năm xưa, thấy nhiều người khá lên nhờ làm cây cảnh, một thú chơi thanh tao lại tạo được không gian sống hài hoà với thiên nhiên. Nhân duyên từ đó, cụ bỏ nhiều thời gian công sức nghiên cứu, không quản tuổi cao sức yếu, năng đi lại học hỏi đồng đội cách ươm giống, làm cây, chăm cành, tỉa dáng, thế. Cụ được đồng đội cũ hướng dẫn tỉ mỉ và tặng cây giống để trồng. Cụ sưu tầm một số loại cây cảnh về ươm giống.
Một lần cụ vào núi Tháp tìm được hoa Mộc Lan, cụm lá xoà như một chậu hoa. Loại hoa này sống gửi vào thân cây khác nên khi đem về nhà cụ tỉ mẩn dùng mùn cưa làm bầu ươm vào thân cây để nuôi giống. Rồi cũng từ vùng núi Tháp, cụ khám phá ra nhiều loài hoa đẹp quý hiếm như: hoa Trạng Nguyên có màu đỏ rực, tháng 11 cho hoa tới tận tháng 4; giống hoa Mai Vàng 5 cánh chịu rét kém nhưng cho hoa rất đẹp và cao sang - thứ hoa được đồng bào Miền Nam ưa chuộng; rồi Trúc hoa long xương rồng sư tử; Trúc Phật bà Nhật Bản, Sen nở trên cạn… Những loại hoa quý này đều được cụ nâng niu, chăm sóc, tạo dáng, sửa cành rất công phu thành các tác phẩm nghệ thuật có giá trị.
Trong dịp Lễ hội Đình Mõ, cụ đã tặng cho làng 2 chậu cảnh quý giá. Cụ vừa ươm cây giống, vừa học hỏi để sản xuất các loại chậu hoa, chậu hình lục lăng, bát giác, tứ giác có đường nét độc đáo. Nhờ vậy, các sản phẩm nghệ thuật của cụ rất được khách chơi cây cảnh thập phương ưa chuộng, mỗi năm mang lại cho cụ nguồn thu cả chục triệu đồng. Cụ còn hướng dẫn cho người cháu gây dựng cơ ngơi chuyên kinh doanh cây cảnh. Cụ là người cựu binh mang đến cho đời những sắc Xuân tươi thắm.



Tuổi 82 vẫn dẻo dai cầm bút

Đại tá, nhà thơ Tạ Hữu Yên, 82 tuổi, 60 năm tuổi Đảng. Từ ngày nghỉ hưu năm 1989 đến nay, ông cộng tác với khoảng 40 tờ báo ở trung ương và địa phương. Trong đó có báo Người cao tuổi, Cựu chiến binh Việt Nam, Cựu chiến binh Thủ đô...

Suốt 19 năm nghỉ hưu ông vẫn cầm bút viết đều cho các báo, tạp chí. Nhiều bài thơ hay của ông được phổ nhạc như: “Đất nước” do nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn phổ; “Đôi dép Bác Hồ” do nhạc sĩ Văn An phổ; “Cảm xúc tháng 10” do nhạc sĩ Nguyễn Thành phổ... được nhiều người nghe yêu thích. Tính đến hết tháng 5 năm 2006, ông đã có 150 bài thơ phổ nhạc. Ông còn là tác giả 50 đầu sách in tại NXB Văn học, NXB Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Hội nhà văn...
Ông cho biết: Tuy tuổi đời cao, sức khỏe đã giảm sút nhiều, nhưng ông vẫn cần cù cầm bút và rất ham đọc sách, báo, ông vẫn làm việc trên dưới 8 giờ vàng ngọc trong ngày. Ông sống giản dị, chan hòa với mọi người, để tâm đến công tác từ thiện. Hàng năm ông vẫn tích cực đóng góp quỹ khuyến học tại quê nhà và nơi sinh sống ở địa phương như quỹ xây dựng quê hương, đóng góp giúp đỡ người nghèo, người bị nhiễm chất độc màu da cam, trẻ em bị tàn tật bất hạnh... mỗi năm một vài triệu đồng.
Trao đổi với ông tại nhà riêng ở phòng 9, nhà K23, ngõ 63 phố Nguyễn An Ninh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội, tôi cảm thấy ấm cúng, chan hòa trong tình đồng đội CCB và nghề nghiệp cầm bút giữa ông và tôi.
Trên tầng 2 nhà ông có một thư viện riêng của gia đình. Tôi thấy trên 4, 5 giá sách, mỗi giá cao 8 tầng, có khoảng 2.000 đầu sách và tạp chí, được xếp theo thứ tự từng loại để dễ tìm, dễ thấy. Ông nói với tôi một câu danh ngôn của GôGôn, nhà văn Nga nổi tiếng: “Phải ép buộc mình từng giờ, từng phút, không cưỡng bức thì chẳng thể làm nổi một việc gì”.
Ông tâm đắc với câu danh ngôn này để rồi tự buộc mình làm việc theo chân lí đó, lẽ sống đó.
Trong các cuộc họp của một số tòa soạn, ông thường trao đổi với các bạn viết về nghề nghiệp và làm báo, về tu dưỡng phẩm cách của người cầm bút một cách thẳng thắn chân tình. Ông thường nhắc nhở với những cây bút trẻ: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh” về trau dồi đạo đức cách mạng, lối sống thường ngày, gắng học ngoại ngữ, bám sát thực tế, rèn luyện nghề nghiệp. Ông đọc cho tôi nghe bài thơ “Cây bút lớn Hồ Chí Minh” ông viết về Bác Hồ: Bác viết cách làm thơ/ Và đăng nghìn bài báo/ Vừa uyên thâm, vừa xúc tích/ Lại “trăm vẻ đời thường”/ Bác vận dụng tục ngữ, ca dao/ Hài hòa và sáng tạo/ Cây bút lớn Hồ Chí Minh/ Trong sáng tuyệt vời một tấm gương!
Ngồi trao đổi với nhà thơ Tạ Hữu Yên, tôi cảm thấy ở ông vẫn đầy sức trẻ, tâm huyết với đời, minh mẫn và nhiệt tình. Tôi thầm mong ông thêm sức khỏe, thêm tuổi thọ để còn có thể gặt hái những thành quả trên con đường sáng tác văn học và đóng góp được nhiều bài cho các báo và tạp chí. Tiễn tôi ra về, nhà thơ Tạ Hữu Yên nắm chặt tay tôi nói vui: “Nghề làm báo là một nghề khó, cần phải có bản lĩnh và giỏi giang nghề nghiệp để đi trên con đường dài mà không biết mỏi mệt!”.


Thành công nối tiếp thành công

Khi chúng tôi đến, ông đang lúi húi ngoài ao trông chừng mấy con ba ba đang dọn ổ. Ông là người cao tuổi nhất trong số NCT làm kinh tế giỏi cấp trung ương, 85 tuổi- đó cũng là một phần lí do chúng tôi tìm đến ông.

Chiếm hơn một nửa diện tích là căn nhà với khoảng sân rộng, dăm gốc nhãn lồng, ao nuôi ba ba nằm “khiêm tốn” ở góc vườn. Ông bảo, mình làm vừa sức, như là “vui tuổi già” thôi nhưng vì chọn nuôi loại ba ba có giá trị kinh tế cao nên thu nhập cũng khá! Trong nhà, ông vẫn là “lao động chính” vì các con ở riêng, chỉ có người cháu nội ở cùng đỡ đần. ông Nguyễn Văn Tiêu là niềm tự hào của người dân thôn Duệ Khánh, xã Nội Duệ, huyện Tiên Du (Bắc Ninh).
Cụ Nguyễn Văn Tiêu, 85 tuổi, phát triển kinh tế gia đình bằng nghề nuôi ba ba.
Bây giờ, xem ông bắt lên những con ba ba giống to cỡ hai ngón tay chụm lại trị giá mỗi con 300.000 đồng; nghe ông tính 900.000 đồng/kg ba ba gai, mỗi con nặng từ 2-4kg; 20 cặp ba ba sinh sản mỗi con nặng từ 8-10kg và đặc biệt là dưới ao hiện có một con ba ba nặng 40kg... ai cũng bất ngờ vì mấy khoảnh ao “khiêm tốn” kia trị giá hàng tỉ đồng. Ông quyết định nuôi ba ba vì có giá trị kinh tế cao, vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm. Ông mời giáo sư Nguyễn Lân Hùng dạy cách nuôi ba ba hoặc cứ nghe đồn ở đâu có người nuôi ba ba là ông tìm đến. Nhưng mỗi người lại giữ “ngón nghề” riêng buộc ông phải mất nhiều công, tìm hiểu thật kĩ, cùng với quá trình chăm sóc ba ba, ông đã tìm ra được bí quyết cho riêng của mình.
Là lão thành cách mạng thời kì tiền khởi nghĩa, ông vừa vinh dự nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, ở bất cứ cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Khi về nghỉ hưu, ông suy nghĩ phải vực dậy kinh tế gia đình, bù đắp phần nào cho vợ con sau 30 năm dòng xa cách. Ban đầu, ông vào HTX Duệ Khánh, mỗi năm trồng 2 vụ lúa nhưng năng suất thấp nên không đủ ăn. Ông xin phép HTX trồng 1.800m2 bí ngô trên đất bỏ không vào tháng 10 làm thức ăn cho hơn 30 con lợn. Thế là, trong khi mọi người còn chật vật, khó khăn thì ông đã thu được hơn 4 triệu đồng. Phong trào VAC được phát động toàn tỉnh vào năm 1990, ông bắt đầu nuôi ba ba sau khi nghiên cứu kĩ thị trường. Mạnh dạn vay mượn và tiền dành dụm được 14 triệu đồng (thời điểm năm 1990) ông mua 324 con ba ba giống nhưng nuôi được 2 tuần thì chết 123 con. Bại không nản, ông mổ những con chết để tìm hiểu nguyên nhân. Ông thấy, do gom con giống từ nhiều nguồn, được nuôi ở chế độ khác nhau, thức ăn, nguồn nước, độ tuổi khác nhau nay đem nhốt chung lại, chúng chết là tất yếu. Mặt khác, nguồn nước bị ô nhiễm do thức ăn cũng là nguyên nhân khiến ba ba chết hàng loạt. Các hộ nuôi cùng ông sau thất bại này đều “bỏ cuộc”, ông vẫn kiên trì vì cho rằng những phát hiện của mình là đúng. Dù bị chết 1/3 nhưng lứa đầu tiên ông vẫn thu về 12,7 triệu đồng. Ông đã biến thất bại thành bài học có giá trị. Bây giờ, hàng năm ông xuất khoảng 2 tạ ba ba thương phẩm, cung cấp từ 800-1.000 con giống cho thị trường nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 40 nhu cầu. Vậy mà ông bà vẫn sống thanh bạch, giản dị trong ngôi nhà xây từ năm 1976. Sự thành công của ông cho chúng ta thấy một điều: Sẽ không bao giờ là quá muộn để chúng ta bắt đầu kinh doanh và thành công!




Pơloong Pất làm giàu từ mô hình VACR

Ông A Lăng Thá sinh năm 1943, dân tộc Cơ Tu ở thôn Arớ, xã Bah Lêê, thuộc huyện Hiên (cũ) nay là huyện Tây Giang (Quảng Nam).


Giống như bao thanh niên khác trên vùng Trường Sơn đại ngàn của huyện Hiên trước đây, năm 1964 giặc Mỹ về quê hương tàn phá làng mạc, nhà cửa, ruộng vườn. Với lòng căm thù giặc sâu sắc, ông đã nhập ngũ vào Trung đoàn 230 thuộc Quân Khu V, được kết nạp vào Đảng ngày 17 - 6 - 1970.

Pơloong Pất
Năm 1977, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, anh được phục viên trở về quê hương và tham gia công tác tại xã Tà Lu từ đó đến nay. Ông kinh qua nhiều chức vụ khác nhau, nay là Chủ tịch hội Cựu Chiến binh xã Tà Lu huyện Đông Giang. Là "bộ đội Cụ Hồ" trở về quê sau khi nước nhà thống nhất, Pơloong Pất lụi cụi suốt ngày phát nương rẫy, gieo lúa, tỉa bắp để lo cho cuộc sống gia đình và chăm lo công tác xã hội. Năm này qua năm khác, cái rẫy ngày càng xa nhà nhưng cuộc sống cũng chỉ đủ ăn. Vợ thì đau yếu liên miên, bốn đứa con thì còn nhỏ, gia đình thường xuyên thiếu đói Pơloong Pất buồn lắm! Ông nghĩ, cái chân khỏe, cái tay siêng, đất quê rộng sao mình lại không nghĩ ra được cách gì làm ăn ổn định, Pơloong Pất quyết làm giàu chính trên quê hương của mình.
Anh A Lăng Bích, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Lu cho biết: "Pơloong Pất không chỉ làm kinh tế giỏi mà làm công tác hội cựu chiến binh cũng nhiệt tình. Cái gì hay, có lợi cho đồng bào thì Pơloong Pất vận động bà con trong làng, trong xã làm theo. Nhiều người dân trong xã học tập cách làm ăn của gia đình Pơloong Pất mà nay cuộc sống đã khá lên so với trước...".
Pơloong Pất tâm sự, việc xây dựng mô hình VACR có nhiều thuận lợi do đất vườn đồi nhà ông nằm bên suối nên vừa có thể cải tạo đồng ruộng làm lúa nước, vừa đắp đập dẫn nước về đào ao nuôi cá. Pơloong Pất dẫn nước từ suối Tà Lu về làm hơn 11 sào lúa nước. Nhằm bảo đảm ổn định nguồn lương thực trong gia đình và phục vụ chăn nuôi, ông đào một hố rộng khoảng 12 m2, sâu hơn 1,5m, sau đó dùng tre và cây rừng thả vào để làm nơi cá trú ẩn. Ao thả nuôi hàng nghìn con cá rô phi và cá giống: rô phi đơn tính, trắm cỏ trong một diện tích 1.000 m2 mặt nước. Không chỉ cung cấp thực phẩm cho gia đình, thị trường, Pơloong Pất còn cung cấp giống cá, hướng dẫn kinh nghiệm để bà con trong vùng phát triển nuôi cá. Riêng vùng gò đồi, ông trồng 3.000 gốc quế, 5 héc ta cây keo lá tràm từ 7 đến 10 năm tuổi chăn thả 6 con trâu, 4 con bò.
Khi của ăn của để đã dư, Pơloong Pất bắt đầu đầu tư mua máy cày và máy say xát gạo phục vụ sản xuất, làm dịch vụ cho nhân dân trong vùng. Với mô hình VACR và dịch vụ, trung bình mỗi năm, gia đình Pơloong Pất thu trên 40 triệu đồng. Đây là mức thu mà ở Tà Lu nói riêng và huyện Đông Giang nói chung chưa mấy hộ dân nào vươn tới.
Ông cũng được bầu chọn danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền và được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu "Chiến sĩ thi đua".
Ba bố con cùng đội dân phòng

Gần 30 năm phục vụ trong quân đội, Thiếu tá Trần Đăng Nhì nghỉ hưu năm 1993 tại nhà số 3, M1, phố Bùi Ngọc Dương, Hà Nội. Trên 10 năm ông làm Bí thư chi bộ, BCH Đảng uỷ, Phó chủ tịch Hội CCB, đại biểu HĐND 2 khóa liền và công tác bảo vệ của phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Ông Trần Đăng Nhì
Trong phường có 11 cụm dân cư, trên 2.000 hộ dân, phường giáp ranh với trọng điểm ma tuý xóm liều Thanh Nhàn (vào năm 1999-2000) gây bức xúc nhiều trong nhân dân. Được cấp uỷ Đảng, chính quyền chỉ đạo, ông Nhì cùng các đồng chí lực lượng công an củng cố, thành lập 11 tiểu ban bảo vệ; tuyên truyền, vận động mọi người tham gia lực lượng bảo vệ, trở thành cánh tay đắc lực cho công an phường. Riêng ông, có 2 người con trai, đang theo học năm thứ nhất và thứ ba đại học, cũng tình nguyện vào lực lượng dân phòng, thanh niên cờ đỏ, cùng bố tham gia tuần tra canh gác, chốt trực, vây bắt tội phạm ma tuý, bảo đảm an ninh trong khu vực. Ông thường xuống tận cơ sở nắm bắt tình hình để cùng với các lực lượng ngăn chặn, xử lí dứt điểm từng vụ việc tiêu cực đã xảy ra. Những lần ra quân trong địa bàn đều bắt giữ được các đối tượng đưa về trụ sở công an xử lí kịp thời. Ở cụm 8A đến nay đã giảm hẳn tệ nạn ma tuý và các tệ nạn xã hội khác.
Ngoài việc tích cực tham gia tuyên truyền phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn ma tuý, Ban bảo vệ do ông Nhì làm Trưởng ban, còn phối hợp với công an làm tốt công tác kiểm tra tạm trú, tạm vắng. Ở tụ điểm Lò Lợn và khu Mai Hương, đã phát hiện các đối tượng từ nơi khác đến tụ tập, tiêm chích ma tuý. Mặc dù gia đình còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Thiếu tá Trần Đăng Nhì vẫn lăn lộn để công tác an ninh trật tự được tốt hơn. Theo ông nghĩ thì chính gia đình nhà mình cũng được hưởng sự bình yên đó...
Trong những năm qua, ông đã góp phần đáng kể giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội. Ông được trao nhiều Bằng khen, Giấy khen “Người tốt việc tốt” của Giám đốc công an thành phố và UBND quận Hai Bà Trưng.

"Người mẹ” nhiều giống lúa lai

Trong giới khoa học, PGS, TS Nguyễn Thị Trâm và các giống lúa lai của bà không còn xa lạ với các đồng nghiệp, nhưng tin bà chuyển nhượng giống lúa TH3-3 tới 10 tỉ đồng đã gây “chấn động” không chỉ người làm nông nghiệp cả nước. Một thông tin thú vị khác ít người để ý, trước đó bà từng chuyển nhượng giống lúa lai hai dòng TH 3-4 trị giá 700 triệu đồng...

Tuy nghỉ hưu nhưng PGS.TS, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Trâm vẫn cộng tác với Viện sinh học Nông nghiệp (thuộc trường ĐH Nông nghiệp I Hà Nội), trước bà là Phó viện trưởng. Làm nghiên cứu khoa học nông nghiệp, rời phòng thí nghiệm bà lại có mặt trên cánh đồng thực nghiệm khắp các tỉnh. Bà bảo: “Là nhà khoa học nhưng vẫn chân lấm tay bùn như nông dân thực thụ. Nếu không thực sự “say” nghề thì chúng tôi không thể theo được công việc vất vả này”!


PGS.TS. Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Trâm trong vườn lúa giống lai.
Năm 1966 tốt nghiệp trường ĐHNN I, bà về công tác tại Viện Cây lương thực dưới sự chỉ dẫn trực tiếp của Giáo sư nông học Lương Định Của. Thời gian công tác với nhà khoa học nổi tiếng đã truyền cho bà niềm say mê, tìm những giống lúa lai mang gien trội của “bố”, “mẹ” cho năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn, kháng sâu bệnh... Bà tìm đọc tài liệu về lúa lai, tự bỏ tiền xin đi học ở Trung Quốc vì khi đó nước này đã rất nổi tiếng với những giống lúa lai ba dòng. Về nước, vừa giảng dạy bà vừa âm thầm nghiên cứu và năm 1994 “bức màn bí mật” của công nghệ lúa lai hai dòng đầu tiên ở Việt Nam bắt đầu lộ diện. Thành công nhân đôi khi gien của dòng lúa này có 2 chức năng: Bất dục trong điều kiện nhiệt độ cao và hữu dục trong điều kiện nhiệt độ thấp. Kết quả tuyệt vời, nằm ngoài dự kiến bởi vì trên cơ sở đó vừa sản xuất hạt lai vừa nhân giống qua từng vụ hè, đông. Nhờ nghiên cứu này, năm 1998 PGS. TS Nguyễn Thị Trâm được nhận giải thưởng VIFOTEC và năm 2000 được nhận giải thưởng Ko-va-lep-xcai-a.
Năm 2003, giống lúa lai mang tên TH3-3 do bà nghiên cứu thành công dần quen thuộc với nông dân ở Hà Nội, Hà Tây, Hà Nam, Hưng Yên, Thanh Hoá... Đây là giống lúa lai thích hợp với khí hậu nhiều vùng miền khác nhau, chất lượng gạo ngon, kháng nhiều sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn, có thể đạt năng suất 7-8 tấn/ha. Giống lúa này được “thai nghén” từ những năm 1994-1995, giới khoa học đã biết đến. Các công ty giống từ trung ương đến các tỉnh, thành cũng thấy được những ưu điểm của nó. Vì vậy, năm 2003 khi giống lúa TH3-3 được công nhận tạm thời đã có nhiều lời mời gọi làm ăn, mua đứt giống lúa này của bà. Năm 2005, TH3-3 được chính thức công nhận, cấp bản quyền (năm 2007) thì khoảng 20.000-30.000 ha được nông dân trồng ở khắp miền Bắc. Lượng giống lúc đó xuất ra là 1.000 tấn giống F1...
Tôi hỏi, hơn 40 năm làm nghề, bà đã lai tạo được bao nhiêu giống lúa? Bà trầm ngâm nhớ lại những ngày đầu theo thầy Lương Định Của tham gia nghiên cứu thành công một số giống lúa, cho ra đời nhiều giống lúa mới, được phổ biến rộng rãi như NN-9, NN-10, NN23. Vừa giảng dạy vừa nghiên cứu tại trường ĐHNN I, bà lai tạo nhiều giống lúa được công nhận là giống quốc gia như ĐH 60, nếp thơm 44... Sau này, là nhiều tổ hợp lúa lai hai dòng mới “cùng mẹ khác cha” với TH3-3 như TH 3-4, TH3-5, TH 3-11... Theo bà, tác giả thực sự của một giống lúa mới phải là người có ý tưởng, có phương pháp và hiện thực hoá để sản xuất, đưa vào cuộc sống. Nếu thực sự như vậy thì đời người lai tạo được vài ba giống lúa có thể gọi đó là thành công. Tìm ra giống mới đã khó, thuyết phục người nông dân tin tưởng cấy trồng giống mới càng khó hơn.
Hiện nay, hàng chục tổ hợp giống lúa lai được sử dụng tại Việt Nam nhưng chủ yếu phải nhập khẩu. Việc chuyển giao thành công công nghệ sản xuất hạt lai F1 của tổ hợp lai TH3-3, TH3-4 mở ra triển vọng mới trong việc chủ động, bảo đảm chất lượng nguồn giống trong nước. Khi được hỏi, liệu con số 10 tỉ đồng có phải là quá cao đối với một giống lúa mới, Tiến sĩ Trâm cho biết: Vụ xuân vừa qua, TH3-3 gây nên cơn sốt về giống, diện tích cấy lên đến 30.000 ha. Vì thế chúng tôi không chỉ bán bản quyền mà còn bán cả thị trường. Hợp đồng cũng quy định một số điều khoản cụ thể để TH3-3 sau khi chuyển giao không bị độc quyền, nông dân không bị ép giá...
Thành công trong việc tìm ra giống lúa lai hai dòng và chuyển nhượng cho một doanh nghiệp với giá cao, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm lần đầu tiên được ghi tên vào kỉ lục Ghi-net Việt Nam. Đây cũng là tin vui, tạo sự khích lệ đột phá trong ngành khoa học nông nghiệp Việt Nam. Ở tuổi 66, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm hiện vẫn cùng các cộng sự trẻ của Viện Sinh học Nông nghiệp tìm tòi nghiên cứu những giống lúa mới, hướng dẫn các nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ... Theo bà, vì người nông dân Việt Nam còn nhiều vất vả, nên ở trong “tầm với”, muốn họ có được những mùa vàng...
Bà cụ 84 tuổi, trưởng dàn “đồng ca” nửa vạn người

Bà Hoàng Thị Lam, 84 tuổi, Giám đốc Trung tâm Unesco Thái cực trường sinh đạo Việt Nam. (Ảnh: Trung tâm cung cấp).
Bất kỳ ai đã từng một lần tham gia vào các kỳ Giao lưu văn hóa người cao tuổi Việt Nam hàng năm sẽ không bao giờ quên được hình ảnh hoành tráng, đầy xúc động về màn đại trình diễn Thái cực trường sinh đạo có khi lên đến hơn nửa vạn người tham gia.

Họ là những người cao tuổi Việt Nam, trong đó có nhiều người đã qua cả cái tuổi thất thập cổ lai hy. Họ thuộc mọi tầng lớp khác nhau trong xã hội, từ những người lãnh đạo cao cấp, tướng lĩnh, giáo sư, tiến sĩ, công chức, công nhân, nông dân... đến từ hơn 50 tỉnh thành trên cả nước, đoàn kết bên nhau cùng đồng nhất say sưa đi những bước quyền khoan thai.

Tuy nhiên không phải ai cũng biết rằng, vị nhạc trưởng của dàn “đồng ca” hơn nửa vạn người đó lại là cụ bà Hoàng Thị Lam, 84 tuổi, Giám đốc Trung tâm UNESCO Thái cực trường sinh đạo Việt Nam.

Còn biết bao những tấm gương  người cao tuổi một lòng vì dân vì nước mà không thể nói hết trên bài viết này được. Cảm ơn các ông, các bà người cao tuổi Việt Nam đã không ngai gian khổ , tuổi già ,sức yếu  vẫn phục vụ nhân dân đến cuối cuộc đời. Các ông các bà là những tấm gương sáng cho con cháu sau này.

TUỔI THỌ TRUNG BÌNH CỦA CON NGƯỜI

Tuổi thọ trung bình hay kỳ vọng sống  là số năm dự kiến còn lại của cuộc đời ở một độ tuổi nhất định. Nó được kí hiệu là ex, nghĩa là số trung bình các năm tiếp theo của cuộc đời cho một người ở độ tuổi x nào đó, tính theo một tỉ lệ tử cụ thể. Tuổi thọ trung bình phụ thuộc vào các tiêu chuẩn được sử dụng để chọn các nhóm. Tuổi thọ trung bình thường được tính riêng cho nam và nữ. Nữ giới thường sống lâu hơn nam giới ở hầu hết các quốc gia có hệ thống y tế sản khoa tốt.

Con người

Tuổi thọ trung bình của con người tại Swaziland là 45,5 năm và tại Nhật Bản là 81 năm (ước lượng 2008). Cho dù tuổi thọ trung bình được ghi nhận tại Nhật có thể tăng thêm một chút do số tử vong ở trẻ sơ sinh được tính là chết non. Người sống lâu nhất được ghi nhận là 122 tuổi

Theo báo cáo thống kê bảo vệ sức khoẻ thế giới năm 2010 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tuổi thọ trung bình của thế giới hiện là 71 tuổi, tương đương mức của năm 2009.

Sự khác biệt về giới

Tuổi thọ trung bình giữa nam và nữ năm 2005.
Phụ nữ có xu hướng có tỉ lệ tử vong thấp hơn ở mọi lứa tuổi. Trong bụng mẹ, thai nhi nam có tỉ lệ tử vong cao hơn (trẻ được thụ thai ở tỉ lệ là 124 nam so với 100 nữ, nhưng tỉ lệ sống sót đến khi chào đời chỉ là 105 nam so với 100 nữ). Trong số những trẻ sinh non có trọng lượng nhỏ nhất (những người dưới 900 g) nữ cũng vẫn có một tỷ lệ sống sót cao hơn. Ở một thái cực khác, có đến 90% những người sống đến 110 tuổi là nữ giới.
Theo báo cáo thống kê bảo vệ sức khoẻ thế giới năm 2010 của Tổ chức Y tế Thế giới, nữ giới Nhật Bản có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới với 86 tuổi, vị trí thứ hai thuộc về phụ nữ các nước Pháp, AndorraMonaco với tuổi thọ trung bình là 85 tuổi. 
Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình cho biết, số người cao tuổi trong cả nước ta đang tăng nhanh trong những năm gần đây. Nếu như năm 1989, số người cao tuổi chỉ chiếm 7,2% dân số thì hiện nay tỷ lệ này đã lên đến hơn 9,45%. Kể từ năm 2010, số người cao tuổi ở Việt Nam sẽ tăng đột biến và ước tính đạt xấp xỉ 11 triệu người vào năm 2020.
Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 cho thấy Việt Nam hiện là nước đông dân thứ 3 Asean và thứ 13 trên thế giới.

Cụ thể, tính đến 0 giờ ngày 1/4/2009, dân số của Việt Nam là 86 triệu ( số chính thức 85.789.573 người)
Ngoài các chỉ tiêu quan trọng nói trên, một con số ấn tượng cũng được công bố trong tổng điều tra dân số năm nay là Việt Nam có trên 7.200 cụ sống thọ trên 100 tuổi.
Hiện nay, Việt Nam tuổi thọ nữ 76 , nam giới 70 , trung bình cả nước 73. Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ thọ 106 tuổi. Đại tướng huyền thoại Việt Nam hiện nay còn sống vui vẻ bên con cháu với  101 tuổi.
Nguồn : tổng hợp từ Internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét